Thứ Tư, 11 tháng 2, 2009

Logistics và nỗi lo mất thị phần (02/05/2007)
Ông Nguyễn Thâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận vận tải Việt Nam (Viffas) thừa nhận: “Qui mô doanh nghiệp nhỏ, bộ máy tổ chức đơn giản, thiếu nhân lực, hoạt động rời rạc… là những yếu kém của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ giao nhận kho vận (logistics) hiện nay”.
Logistics giữ vai trò cầu nối, là động lực thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam hội nhập WTO có cơ hội phát triển và tăng trưởng nhanh, logistics cũng có cơ hội phát triển và tăng trưởng hòa vào “cuộc chơi” của logistics toàn cầu.
Theo dự đoán của các chuyên gia thương mại, 10 năm tới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt mức 200 tỷ USD. Như vậy, nếu tính tỷ trọng dịch vụ logistics trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 15% như năm 2006 đạt được (thế giới có nước đạt 40%) thì chỉ riêng logistics đã mang lại cho đất nước một lượng ngoại tệ khoảng 30 tỷ USD vào năm 2016. Thế nhưng, nhìn vào thực trạng của ngành logistics hiện nay có thể thấy rõ nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam bị mất thị phần ngay tại “sân nhà” chứ chưa nói gì đến việc xuất khẩu ra bên ngoài.
Bình đẳng kinh doanh trong môi trường WTO xét đến cùng ở một khía cạnh nhất định chính là sức mạnh của vốn. Trong lĩnh vực logistics, nắm được thị phần hay không là việc thắng thầu. Cơ hội thắng thầu cung cấp dịch vụ logistics chắc chắn sẽ thuộc về các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có qui mô vốn lớn, có mạng lưới cung cấp dịch vụ toàn cầu, kinh doanh có tính chuyên nghiệp cao.
Trong khi đó, theo phản ánh của Viffas, gần 1.000 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực logistics hiện nay hầu hết là nhỏ và vừa, vốn trung bình chỉ đạt 1,5 tỷ VND, thậm chí có doanh nghiệp tư nhân qui mô vốn đăng ký chỉ từ 300 - 500 triệu VND. Ngay cả khi một số doanh nghiệp logistics nhà nước sau cổ phần hóa đã nâng được số vốn đăng ký lên cũng mới đạt ở mức 5 tỷ VND. Với qui mô vốn như vậy không thể đáp ứng được yêu cầu gia nhập thị trường logistics thế giới.
Do vốn và nhân lực ít nên việc tổ chức bộ máy của các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng rất đơn giản, thiếu chuyên sâu. Nhiều doanh nghiệp chỉ có từ 3 đến 5 nhân viên kể cả người phụ trách hoạt động chỉ đáp ứng được một công việc đơn giản của một khách hàng, khi họ hết việc thì doanh nghiệp cũng đóng cửa luôn. Hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Namchưa có văn phòng đại diện ở nước ngoài, trong khi xu thế phát triển logistics hiện nay là toàn cầu.
Tại Việt Nam cũng chưa có một trường đào tạo nào chuyên về đào tạo nguồn nhân lực logistics. Trước yêu cầu có nguồn nhân lực logistics trình độ cao để hội nhập thì công tác đào tạo còn thiếu nhiều về số lượng và yếu về chuyên môn. Còn hoạt động của các doanh nghiệp logistics Việt Nam thì tính nghiệp đoàn liên kết hỗ trợ lẫn nhau là rất kém, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau. Điều này Viffas biết nhưng chưa làm được vai trò liên kết các hội viên lại cũng như liên kết các doanh nghiệp logistics với nhau...
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng (đường xá, giao thông, kho tàng, bến bãi, cảng biển….) yếu kém cùng với một số cơ chế, chính sách pháp luật liên quan bất cập cũng là nguyên nhân làm chậm dòng lưu chuyển hàng hóa hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thâm, con đường cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam phát triển hiệu quả và đứng vững trong môi trường WTO là phải liên kết lại với nhau để có đủ tiềm lực tài chính, năng lực, nhân lực, kỹ thuật và phương tiện mới có thể giành được phần thắng trong “cuộc chiến” phân chia thị phần với các đối tác nước ngoài ngay tại “sân nhà”.
Theo lộ trình cam kết với WTO, Chính phủ vẫn có thể đưa ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp. Nên chăng, trong khi Viffas chưa làm được việc liên kết các doanh nghiệp thành viên lại với nhau thì Chính phủ cần có biện pháp liên kết các doanh nghiệp logistics có vốn nhà nước lại thành một số doanh nghiệp đủ lớn về qui mô vốn, năng lực, kỹ thuật… để đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu đủ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, kinh nghiệm về logistics và kiến thức hội nhập quốc tế giúp các doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới xuất khẩu mạnh dịch vụ logistic.
Lan Ngọc
Theo www.toquoc.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét